Câu hỏi về kỹ thuật và công nghệ: liệu các chuẩn bị của chính quyền về hạ tầng mạng,ínhquyềnchuyểnđổisốeu9 cơ sở dữ liệu, hệ thống phần mềm ứng dụng, giải pháp bảo mật đã đủ để triển khai chưa? Ý là đã đủ để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn chưa. Câu trả lời không nên là duy ý chí hay dựa trên cảm hứng. Những báo cáo kỹ thuật phải được thực hiện chặt chẽ nhằm rà soát một cách có hệ thống các tài nguyên kỹ thuật số cần có để triển khai, dù là triển khai thí điểm. Đặc biệt là nút thắt về liên thông dữ liệu giữa các bộ ngành, giữa các cấp đã được tháo gỡ chưa? Ngay tại thời điểm này, khi mà dữ liệu quốc gia về dân cư với rất nhiều thông tin về nhân khẩu học đã được xác lập đi kèm với CCCD gắn chip mà vẫn có nơi gửi đến từng nhà dân tờ khai mức trình độ học vấn.
Câu hỏi về lợi ích: cách làm này sẽ tạo ra những lợi ích gì, bao gồm lợi ích trước mắt và lợi ích dài hạn? Và lợi cho người dân có được nghĩ đến trong đề xuất này?
Câu trả lời sẽ dẫn người dân đến câu hỏi đối sánh: công chức, viên chức có thể làm việc tại nhà thì liệu người dân có cơ hội được giải quyết thủ tục hành chính tại nhà hay không?
Làm việc từ xa không phải chuyện gì quá lạ, nhất là kể từ sau đại dịch Covid-19. Tính hữu ích của giải pháp làm việc từ xa rất đáng để quan tâm. Công chức, viên chức ở một số vị trí công việc phù hợp có thể được phép làm việc tại nhà, đem lại các lợi ích kép cho người làm việc và cho hệ thống. Chi phí vận hành của bộ máy chính quyền cũng có thể nhờ đó mà cắt giảm. Chí ít đó là lợi ích của chuyển đổi số trong bộ máy chính quyền.
Thật ra, chúng ta nên cùng mong đợi, rằng công chức, viên chức nên sớm được thụ hưởng chính sách cho phép làm việc tại nhà. Nhất là trong bối cảnh chi phí di chuyển để đến văn phòng làm việc hằng ngày đang dần trở thành gánh nặng thật sự đối với cá nhân người làm việc. Chưa kể, các áp lực lên hạ tầng đô thị ngày càng căng thẳng, khiến chính quyền hao tốn nhiều nguồn lực để xử lý.
Nhưng giải pháp cho phép công chức, viên chức làm việc từ xa phải song hành cùng với giải pháp "hành chính tại nhà" cho người dân, thậm chí là nên xếp ưu tiên phía sau. Thực tế triển khai chuyển đổi số cho thủ tục cấp hộ chiếu, dịch vụ của Kho bạc Nhà nước chẳng hạn, cho thấy nếu có tầm nhìn đúng đắn, nếu có quyết tâm rõ ràng, nếu có lộ trình và phương pháp triển khai thích hợp thì "giấc mơ kỹ thuật số" trong cải cách hành chính chẳng có gì là khó cả.
Vậy nên, thêm một câu hỏi nữa để suy tư. Là chính quyền trước hết nên thiết kế lại hệ thống dịch vụ hành chính trên nền tảng của tư duy chuyển đổi số, rồi theo đó thực hiện một bước thí điểm có "điểm rơi" về thời gian rõ ràng. Chứ đừng thí điểm không biết khi nào xong, rồi sau đó không biết làm gì tiếp theo.